Bạn chưa hoàn thành khảo sát. Nhấn vào đây làm khảo sát ngay và nhận quà tặng miễn phí từ chúng tôi!

Chăm sóc da

RETINOID TRONG CHĂM SÓC DA (PHẦN 1)

05/09/2020flora

Gần đây, Retinoid được nhiều tín đồ chăm sóc da ưu ái đặt tên “thần dược” chống lão hóa. Các bạn cùng Flora tìm hiểu bản chất của Retinoid cùng Bác sĩ Lê Minh Châu trước khi có ý định sử dụng retinoid trong việc chăm sóc da, đặc biệt trong chăm sóc da chống lão hóa. Trước khi sử dụng, cần phân biệt được loại retinoid nào có thể sử dụng trong mỹ phẩm và loại retinoid nào cần thực hiện theo kê toa của bác sĩ với liều lượng và cách sử dụng phù hợp để tránh việc lạm dụng không đúng cách, không mang lại hiệu quả hoặc thậm chí xảy ra tác dụng phụ không như mong muốn.

Đầu tiên, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào lên bề mặt da, phái đẹp cần tìm hiểu thật kỹ đó là gì, bản chất ra sao, tác động như thế nào, hiệu quả kỳ vọng ra sao cũng như những tác dụng phụ bên cạnh và quan trọng nhất, có phù hợp với làn da của mình hay không.

Retinoid là gì và Retinoid trong mỹ phẩm có những loại nào?

Retinoid là từ để gọi chung vitamin A và các dẫn xuất của loại vitamin này. Sau này thì retinoid còn được dùng để chỉ các chất tổng hợp khác có cơ chế tác dụng như retinoid [1]

Retinoid có nhiều loại khác nhau, sẽ thật khó để có thể nhớ hết các tên khoa học của nó. Tuy nhiên, để có thể sử dụng an toàn, phái đẹp cần nhớ Retinoid được chia thành hai nhóm: Retinoid trong mỹ phẩm thông thường không cần kê toa bác sĩ và Nhóm Retinoid trong mỹ phẩm cần kê theo toa của bác sĩ. Và việc chia thành 2 nhóm này là do khác biệt về công thức và tác động của các loại Retinoid.
Cụ thể là:

  • Retinoid không cần kê toa bác sĩ thường tồn tại ở các dạng: : retinol, retinaldehyde, retinyl ester (retinyl propionate và retinyl palmitate) [2]. Trong đó, Retinol là tên gọi đã rất quen thuộc rồi.
  • Retinoid cần được kê theo toa bác sĩ thường tồn tại ở các dạng: tretinoin, adapalene, tazarotene.

Vì bài này viết về trẻ hóa da nên sẽ chỉ đề cập chủ yếu đến tretinoin – all-trans retinoid acid có tác động nhanh hơn và hiệu quả cao hơn trong các loại retinoid.

Quy trình Retinoid chuyển hóa trên da

Retinol sau khi được thoa lên da sẽ đi thẳng luôn qua các lớp tế bào sừng ở ngoài cùng, trên đường đi này retinol chịu sự tác động của các men (có thể hiểu là men tiêu hóa retinol) – các men này sẽ chuyển hóa retinol thành dạng retinol trung gian (hạt mỡ hoặc các dạng alcohol) – tùy thuộc vào các loại men tác động. Sau cùng, nhờ 1 loại men cuối các retinol trung gian này sẽ được biến đổi thành tretinoin.

Sau đó, tretinoin tương tác với các yếu tố quy định gen trên tế bào da, tác động trực tiếp đến quá trình sinh ra và lớn lên của tế bào da. Cụ thể diễn giải một cách khoa học, hình minh họa khoa học quá trình chuyển hóa của retinoid dưới da tại đây.

Thông qua con đường chuyển hóa trên, có thể thấy rằng:

  • Khi thoa retinoic acid trên mặt da, tác động sẽ nhanh hơn khi thoa retinol, retinaldehyde hay retinyl ester vì không mất thời gian để chuyển hóa.
  • Retinoid sau khi thoa lên da, sẽ có tác động trực tiếp đến việc điều hòa quá trình sừng hóa trong da.
  • Khi nồng độ retinoic acid ở lớp biểu bì thấp, các retinaldehyde sẽ được tác động bởi men esterase để tạo thành retinol và chuyển hóa thành retinoic acid.

Như vậy, khi hiểu rõ bản chất của quy trình chuyển hóa retinoid trên da, phái đẹp càng hiểu rõ hơn tại sao cần sử dụng retinoid theo đúng tư vấn của bác sĩ.

Bởi vì, retinol và những retinoid trung gian (retinyl ester hay retinaldehyde) dư thừa trên mặt da, chúng có thể chuyển đổi để thành dạng dự trữ nên sẽ ít gây ra hiện tượng kích ứng. Nhưng nếu thoa 1 lượng retinoic acid dư trên mặt da, thì các phân tử này sẽ nằm ở giữa các tế bào và gây kích ứng vì bản thân chất này không thể chuyển hóa thành các dạng dự trữ [2]

Chuyển hóa của retinoid trong da và cơ chế tác động của retinoid [2]

Sau khi được thoa lên da, retinol sẽ xuyên qua lớp tế bào sừng, nhờ vào men Acyl CoA: retinol acyltransferase (ARAT), retinol được chuyển hóa thành retinyl esters dưới dạng các hạt mỡ hay có thể chuyển thành retinaldehyte nhờ men alcohol dehydrogenase và sau đó nhờ men aldehyde dehydrogenase chuyển thành all-trans-retinoic acid (tretinoin). Các retinoic acid này kết hợp với thụ thể RAR tác động lên sự phiên mã của yếu tố phản ứng retinoic acid (RARE) trên DNA, thông qua đó ảnh hưởng đến quá trình biệt hóa và tăng sinh của tế bào.

Các chỉ định sử dụng retinoid (đã được FDA thông qua sử dụng và chưa đồng thuận – off-label)

Trong các dạng kể trên chỉ có all trans retinoic acid (tretinoin) là được FDA đồng thuận để điều trị các vấn đề về mụn, nếp nhăn mịn, da không đều màu hay da thô ráp. Ngoài ra các thuốc này còn được dùng ở nhiều vấn đề da khác nhưng chưa được đồng thuận (off-label).

 
Retinol Tretinoin
Lão hóa
Tăng sắc tố
Dày sừng nang lông
Tăng sắc tố (nám, tàn nhang)
Rạn da mới

Retinoid trong chăm sóc da chống lão hóa

Sử dụng retinoid trong chăm sóc da thực sự sẽ có tác động trẻ hóa tại biểu bì da. Quá trình chuyển hóa của retinol sau khi thoa lên da tác động đến quá trình biểu bì hóa và sừng hóa trên da. Đối với da lão hóa, retinoid sẽ đẩy nhanh quá trình biểu bì hóa – đưa tế bào da mới ở tầng đáy đi lên các tầng trên nhanh hơn, mang lại làn da mịn màng và tươi trẻ hơn.

Có thể hiểu đơn giản là, retinoid thực sự có tác dụng trong việc chống lão hóa, retinoid sẽ kích thích để thay da mới nhanh hơn, phái đẹp sẽ cảm nhận được làn da mịn màng, tươi trẻ bóng mịn trong khoảng thời gian khá nhanh. Tuy nhiên, đối với da lão hóa, nếu chỉ sử dụng mỗi Retinoid sẽ khó có thể mang lại hiệu quả mong muốn bởi kèm theo tác động thay da trên bề mặt nhanh, cũng còn có những tác dụng không mong muốn khác, đòi hỏi một chế độ chăm sóc da đặc biệt mỗi ngày đi kèm mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Hiệu quả kỳ vọng và Tác dụng phụ khi sử dụng Retinoid

Hiệu quả kỳ vọng:

Tùy theo từng điều kiện da khác nhau, khi sử dụng retinoid đúng cách theo chỉ định của bác sĩ , cùng với liệu trình chăm sóc da phù hợp, tretinoin kỳ vọng có thể mang lại hiệu quả nhanh trên da sau khoảng 8-12 tuần.

Tác dụng phụ:

Kích ứng, Hồng ban, Bong tróc da. Da nhạy cảm hơn. Những tác dụng phụ thường xuất hiện nguyên nhân do sử dụng không đúng cách, tự ý sử dụng không đúng loại retinoid không có sự hướng dẫn hay theo toa bác sĩ, không đúng liều lượng phù hợp với tình trạng da, và không có chế độ chăm sóc dưỡng ẩm da đầy đủ.

Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích về bản chất và cách hoạt động của Retinoid trên bề mặt da. Phái đẹp cùng đón đọc những bài viết chia sẻ tiếp theo về cách sử dụng phù hợp cho từng loại da và chế độ chăm sóc da hoàn hảo khi sử dụng Retinoid nhé.

Tài liệu tham khảo
1.Draelos Z. K. (2016), “Cosmeceuticals”.
2.Wolverton S. E. (2013), “Comprehensive dermatologic drug therapy”.
3.Iino H., Fujii M., Fujino M., et al. (2017), “Influence of Characteristics of Oily Vehicle on Skin Penetration of Ufenamate”, Biol Pharm Bull, 40 (2), pp. 220-226.